LÀM SAO ĐỂ NGHE TIẾNG ANH MÀ KHÔNG THẤY “Ù TAI”?
Một câu hỏi mà các bạn vẫn thường gặp khi học tiếng Anh là: “Làm sao để nghe Tiếng Anh mà không thấy “Ù tai”? Thật ra, nghe tiếng Anh là kỹ năng khó nhằn với nhiều người học. Không ít bạn học viên của PMP English đã chia sẻ rằng:
– “Em nghe được từ đầu và cuối, còn giữa thì mất tiêu.”
– “Em đoán được chủ đề, nhưng không thể hiểu chi tiết.”
– “Nghe hoài mà tai cứ ù ù, cảm giác như mình không tiến bộ gì cả.”
Đừng lo! Cảm giác “ù tai” là hoàn toàn bình thường khi bạn mới bắt đầu luyện nghe. Vậy thì làm sao để nghe Tiếng Anh mà không thấy “ù tai”?
Vấn đề không phải ở bạn “không có năng khiếu”, mà vì bạn chưa có phương pháp đúng và phù hợp. 5 tips luyện nghe tiếng Anh mà PMP English đưa ra sẽ giúp bạn dần biến tiếng Anh từ “tiếng ồn” thành “tiếng quen”.
1. NGHE NỘI DUNG ĐÚNG VỚI TRÌNH ĐỘ
Học gì cũng cần đi từ dễ đến khó. Đừng vội lao vào TED Talk hay phim drama tốc độ ánh sáng khi bạn chưa đủ nền tảng. Việc chọn đúng loại tài liệu nghe sẽ giúp bạn không bị “choáng” và duy trì động lực. Trước tiên, hãy bắt đầu với video có:
– Chủ đề quen thuộc (giới thiệu bản thân, đời sống hằng ngày, công việc…)
– Tốc độ nói chậm, rõ ràng
– Giọng Anh – Anh hoặc Anh – Mỹ tiêu chuẩn
– Phụ đề tiếng Anh có sẵn
Gợi ý tài liệu:
– YouTube: BBC Learning English, EnglishClass101, Speak English with Mr. Duncan
– Podcast: The English We Speak (BBC), Voice of America – Learning English
Lưu ý: Mỗi ngày chọn 1 video dưới 5 phút để luyện → tăng thời lượng dần khi bạn thấy tự tin hơn.
2. LUYỆN NGHE KẾT HỢP PHỤ ĐỀ VÀ GHI CHÉP
Một trong những cách luyện nghe hiệu quả là kết hợp nhiều giác quan cùng lúc: nghe – nhìn – viết. Khi bạn vừa nghe, vừa đọc phụ đề, vừa ghi chú, não bạn sẽ học nhanh hơn gấp nhiều lần so với chỉ “nghe chay”. Cách thực hiện:
– Lần đầu: Nghe + đọc phụ đề tiếng Anh → hiểu nội dung tổng thể.
– Lần hai: Tạm dừng từng câu → ghi lại từ vựng, cụm từ quan trọng hoặc cách phát âm lạ.
– Lần ba: Nghe lại không phụ đề → kiểm tra xem bạn còn hiểu được bao nhiêu.
3. NGHE LẶP LẠI
Chìa khóa để luyện nghe không nằm ở việc “nghe càng nhiều càng tốt”, mà là nghe đúng cách và nghe lặp đi lặp lại nội dung quen thuộc. Vì sao nên nghe lại một đoạn nhiều lần?
– Lần đầu bạn hiểu nội dung chung
– Lần thứ hai bạn bắt được từ vựng và ngữ pháp
– Lần thứ ba bạn nhận ra phát âm, nối âm, nhấn âm
– Lần thứ tư bạn có thể nói lại theo đúng ngữ điệu
Cách thực hiện:
– Chọn 1 video ngắn (2–3 phút)
– Chia nhỏ đoạn thành từng câu hoặc từng cụm hội thoại
– Mỗi đoạn nghe ít nhất 3 lần → rồi thử lặp lại theo
Bonus: Kỹ thuật “Shadowing” (nhại lại theo đúng lúc nhân vật nói) sẽ giúp bạn nghe và nói tiến bộ song song!
4. ĐỪNG NGHE TỪNG TỪ – HÃY NGHE THEO CỤM
Một lỗi phổ biến khiến nhiều bạn “ù tai” khi nghe là cố nghe từng từ riêng lẻ. Trong khi thực tế, người bản xứ nói nối từ – nuốt âm – nhấn nhá cụm từ, chứ không nói từng từ rời rạc như sách giáo khoa. Bạn chỉ có thể nghe tốt nếu học nghe theo cụm từ tự nhiên, chứ không phải ngữ pháp lý thuyết. Cách rèn luyện:
– Tra cụm từ có cách phát âm đặc biệt trên YouGlish.com
– Lặp lại cụm đó nhiều lần cho đến khi miệng và tai “thuộc lòng”
5. NGHE MỖI NGÀY
Đừng đợi “đủ 1 tiếng rảnh” mới nghe. Chỉ cần 5–10 phút mỗi ngày, đều đặn, bạn sẽ thấy mình tiến bộ rõ rệt sau vài tuần.
👉 Bạn không cần nghe 100 video, chỉ cần nghe một video 100 lần đúng cách!